“Trang trại xanh”, tên gọi của những trang trại kinh tế nông-lâm kết hợp không còn xa lạ đối với nông dân Tây Nguyên nói chung, người dân Đác Nông nói riêng. Hiện, trên địa bàn tỉnh Đác Nông đã có gần một nghìn “trang trại xanh”, mỗi trang trại cho thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng, trong đó có nhiều trang trại cho thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm.
Thu tiền tỷ từ trang trại
Nằm trải rộng trên những ngọn đồi bát úp, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 20km, trang trại Gia Trung được mọi người biết đến như một mô hình “du lịch sinh thái”. Với 65 ha đất sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Trung, xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa đã phát triển mô hình kinh tế trang trại nông-lâm kết hợp với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, bơ booth… Với hơn bảy nghìn cây sầu riêng cho sản lượng hơn 600 tấn quả, với giá bán hiện nay giao động từ 20.000 đồng đến 23.000 đồng/kg sẽ đem về nguồn thu hơn 10 tỷ đồng. Dự kiến trong vài năm tới, khi hơn năm nghìn cây bơ booth, cây măng cụt cho thu hoạch rộ thì tổng thu nhập của trang trại lên đến hơn 20 tỷ đồng/năm. Ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Trung còn mạnh dạn thử nghiệm xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ để cung ứng cho thị trường sản phẩm sầu riêng quanh năm và bước đầu đã thành công. Sản phẩm sầu riêng trái vụ cho giá trị kinh tế cao. Ông Trung cho biết: “Đác Nông được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa, thích hợp trồng các loại cây ăn trái. Sản phẩm trái cây được trồng ở Đác Nông chất lượng thơm ngon, hương vị thanh khiết được thị trường ưa chuộng. Việc phát triển kinh tế trang trại nông-lâm kết hợp với nhiều loại cây góp phần cải thiện môi trường sinh thái, cho sản phẩm sạch, chống biến đổi khí hậu, thu nhập ổn định, tránh tình trạng độc canh dẫn đến thua lỗ với “điệp khúc” được giá mất mùa, được mùa lại rớt giá”.
Sản phẩm “Tiêu sinh thái” của trang trại Thu Thủy, huyện Đác Song không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn đến với thị trường Mỹ, Hà Lan nhiều năm nay. Ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại Thu Thủy cho biết: “Để sản phẩm đến với các thị trường khó tính trên thế giới, nông dân cần có phương án tổ chức sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt; phát triển sản xuất phải gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học thì mới tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sinh thái. Đây là nguyên tắc bắt buộc đối với mọi sản phẩm nếu muốn phát triển bền vững và tham gia vào các thị trường khó tính trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”. Với hơn 40 ha đất sản xuất, ông Thu đã xây dựng thành công trang trại VAC (vườn, ao, chuồng) khép kín với các sản phẩm tiêu sinh thái dưới tán rừng, trồng rừng với nhiều loài gỗ quý hiếm, chăn nuôi bò lai cao sản, gà sinh thái… với tổng thu nhập mỗi năm gần bảy tỷ đồng. Theo tính toán của ông Thu, đến năm 2020, tổng thu nhập của trang trại sẽ tăng lên hơn 15 tỷ đồng/năm. Từ những nỗ lực vượt bậc nêu trên, năm 2013, sản phẩm hồ tiêu của trang trại Thu Thủy được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu, đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn tỉnh Đác Nông, đạt tiêu chuẩn tiêu sạch sinh thái FDA của Mỹ và năm 2015 đạt tiêu chuẩn GlobalGap…
Măng cụt Gia Hân Đác Nông là thương hiệu sản phẩm trái cây với vị ngọt thanh khiết đặc trưng của vùng đất đỏ ba gian, được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Ông Trần Quang Đông, chủ trang trại Gia Hân ở thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Ở Đác Nông có mực thủy cấp, tầng canh tác sâu; khí hậu ôn hòa rất thích hợp để trồng cây ăn trái lâu năm, nhất là cây măng cụt. Măng cụt trồng ở Đác Nông phát triển rất tốt, trái to, mẫu mã đẹp, mùa thu hoạch lệch với mùa mưa cho nên trái măng cụt không bị bệnh xì mủ, nứt vỏ như ở các địa phương khác. Mặt khác, thời điểm thu hoạch cũng trễ hơn các vùng lân cận từ một tháng đến hai tháng cho nên thị trường tiêu thụ rất thuận lợi, giá bán cũng ở mức cao”. Với 20 ha đất sản xuất, ông Đông đã tạo lập thành công “trang trại xanh” đạt tiêu chuẩn VietGAP với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như măng cụt, bơ booth, cam, bưởi da xanh… với tổng thu nhập hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Cũng theo ông Đông, vấn đề nông dân lo lắng nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm, nông dân làm ra sản phẩm “sạch” nhưng qua tay thương lái “phù phép” sản phẩm trở thành “bẩn”, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất sản phẩm “sạch” rất cao nhưng khi bán ra thị trường vẫn ngang giá, thậm chí bán thấp hơn cả sản phẩm thông thường chỉ vì mẫu không đẹp”… “Trang trại xanh” mang lại thu nhập cao cho người nông dân, vì vậy nông dân ở Đác Nông đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo mô hình này vừa cho thu nhập cao, vừa phát triển bền vững.
Nguồn: https://12m-15m.org/
Xem thêm bài viết khác: https://12m-15m.org/category/moi-truong
!!!!!!!!❤❤❤❤❤❤❤❤❤❤❤❤❤❤❤