Khoảng 4h sáng ngày 23/10, di cốt liệt sĩ Bùi Đình Toản (SN 1970, một trong 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh tại Quảng Trị) đã được đồng đội đưa về quê nhà tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.
Tại đây người thân, hàng xóm đã đợi đón anh về, khóe mắt ai cũng đỏ hoe. Trước ngày liệt sĩ Bùi Đình Toản cùng 21 người khác bị vùi lấp sau trận sạt lở kinh hoàng, anh còn báo với vợ mình sắp được về phép, về bên gia đình. Nào ngờ anh “về phép” thật… Đây là chuyến “nghỉ phép” cuối cùng của anh.
Tang thương bao trùm căn nhà còn vương mùi sơn mới, nằm ngay bên quốc lộ 1A của gia đình liệt sĩ Bùi Đình Toản (SN: 1970) – một trong 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 337 bị vùi lấp sau sự cố sạt lở đất ở Quảng Trị). Tiếng gào khóc của người thân gọi tên chồng, cha, tên con từ trong nhà vọng ra nghe bi ai.
Bàn thờ của Trung tá Bùi Đình Toản đặt ngay trước hiên nhà nghi ngút khói hương. Hai người con trai anh Toản trùm áo tang, khăn tang trắng xoá, tay chống gậy, khuôn mặt thất thần đứng bên bàn thờ người cha xấu số. Phía bên trong, chị Đào Thị Bích (48 tuổi, vợ Trung tá Toản) ngồi gục bên di hài người chồng khóc đến lạc giọng.
Đã 5 ngày trôi qua kể từ lúc nghe tin chồng cùng đồng đội mất tích sau sự cố sạt lở đất, dù hi vọng mong manh nhưng chị vẫn cầu mong một phép màu. Nhưng rồi, khi nghe tin đã tìm thấy thi thể chồng, chị Bích không còn sức để ngượng dậy, thường xuyên phải có người túc trực, chăm sóc.
Vợ chồng anh Toản sinh được 2 người con trai. Người con lớn 25 tuổi hiện làm việc ở Hà Nội. Con trai út 23 tuổi đang là sinh viên năm cuối tại một trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Chị Bích không có công ăn việc làm ổn định. Thu nhập trông chờ vào đồng lương hàng tháng anh Toản gửi về. Mấy năm gần đây, khi người con trai lớn ra trường, đi làm, cuộc sống của gia đình mới đỡ phần vất vả.
Sống ở những ngày tháng cuối cuộc đời, mắt mờ, chân chậm nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Tròn (74 tuổi, mẹ của Trung tá Bùi Đình Toản) lại phải chứng kiến cảnh đau đớn như thế. Suốt 5 ngày ròng kể từ lúc nghe tin con trai mất tích, bà Tròn không còn sức để khóc nữa.
Kiệt sức, bà được người thân dìu vào giường nghỉ ngơi. Những giọt nước mắt cứ thế lăn đều trên đôi má khô gầy, lam lũ.
Trong 5 người con thì anh Toản là niềm tự hào của gia đình cũng là nỗi lo lắng nhất trong lòng người mẹ già. 34 năm anh Toản công tác xa nhà cũng là chừng ấy thời gian, bà Tròn luôn thấp thỏm ngóng đợi ngày con về phép. Đến bây giờ bà vẫn không thể tin đây là lần trở về cuối cùng của con trai mình.
Đầu chít khăn tang, ngồi lặng trên chiếc ghế, đôi tay ông Bùi Đình Nuôi (74 tuổi, bố liệt sĩ Toản) đan chéo vào nhau như để kìm nén nỗi đau. Khuôn mặt ông thất thần, ngấm lệ. Nén đau thương, ông Nuôi cảm ơn các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, bà con lối xóm đã lo tổ chức an táng, động viên, thăm hỏi và chia sẻ mất mát cùng gia đình.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Dương – Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự thị xã Hoàng Mai cho biết, 4h sáng ngày 23/10, di cốt của Trung tá Bùi Đình Toản đã về tới gia đình. Vào chiều ngày 24/10, liệt sĩ Toản sẽ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, vào rạng sáng 18/10, một quả núi bất ngờ sạt lở, đổ xuống các gian nhà của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị); 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
Chiều tối 22/10, di hài 8 liệt sĩ quê Nghệ An đã đưa về tới xứ Nghệ.
1 – Trung tá Phùng Thanh Tùng (sinh năm 1979), chức vụ: Trợ lý Tổ chức lao động-Tiền lương, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.
2 – Trung tá QNCN Bùi Đình Toản (sinh ngày 20/10/1970), chức vụ: Nhân viên lái xe, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai.
3 – Thiếu tá QNCN Nguyễn Cảnh Trung (sinh ngày 9/12/1978), chức vụ: Nhân viên bảo mật, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương.
4 – Thượng úy QNCN Trần Văn Toàn (sinh ngày 02/5/1983), chức vụ: Nhân viên lái xe, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Xuân Thành, huyện Yên Thành.
5 – Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thu (sinh ngày 2/2/1984), chức vụ: Nhân viên lái xe, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Tăng Thành, huyện Yên Thành.
6 – Thượng úy QNCN Lê Cao Cường (sinh ngày 10/5/1983) Chức vụ: Nhân viên xăng dầu, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên.
7 – Trung sĩ Nguyễn Anh Duy (sinh ngày 4/1/2000), quê quán: Xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, nhập ngũ: Tháng 2/2019.
8 – Trung sĩ Nguyễn Quang Sơn (sinh ngày 25/4/2001), quê quán: Xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, nhập ngũ: Tháng 9/2019.
Nguồn: https://12m-15m.org/
Xem thêm bài viết khác: https://12m-15m.org/category/o-to-xe-may-xe-khac